VẤN NẠN TẨY CHAY HỌC ĐƯỜNG

🔔 CON BỊ TẨY CHAY TRÊN LỚP – CHA MẸ CẦN PHẢN ỨNG NHƯ THẾ NÀO? 

Trường học là “thiên đường” khi con được gặp gỡ, vui chơi cùng bạn bè. Nhưng với không ít bạn học sinh, đi học lại là nỗi ám ảnh vì thường xuyên bị các bạn trong lớp xa lánh, tẩy chay. Khi con rơi vào tình trạng này, cha mẹ cần làm gì để giúp con vượt qua?

Trong bài viết hôm nay, Trung tâm ngoại ngữ NQ Education sẽ cùng cha mẹ bàn luận về các mức độ của vấn nạn tẩy chay cũng như hướng giải quyết trong từng trường hợp cụ thể. 

📌 CÁC MỨC ĐỘ TẨY CHAY TRONG LỚP HỌC 

Tẩy chay có thể từ mức độ nhẹ như bạn bè ít nói chuyện, tỏ thái độ xa lánh, tới mức độ nặng hơn như nói xấu, giấu đồ, thậm chí hành hung con. Khi bị tẩy chay, nhẹ thì con sa sút về tinh thần, nặng thì thì con bị ảnh hưởng nặng nề cả tâm lý và thể chất. Nếu cha mẹ không can thiệp kịp, còn có thể có những hậu quả khó lường hơn. 

Nguyên nhân con bị tẩy chay cũng muôn hình vạn trạng, nhưng nhìn chung có thể chia thành hai lý do lớn sau đây. 

1️⃣ Nguyên nhân chủ quan từ con

Có thể con có hành động chưa đúng mực nào đó với bạn bè hoặc có nét tính cách khiến bạn bè không thoải mái. Chúng ta cần thẳng thắn với nhau rằng, cấp 2 là lứa tuổi phát triển nhạy cảm, nên rất có thể con có những hành động chưa suy nghĩ chín chắn, ví dụ như đổ lỗi cho bạn bè để thoát tội, gian lận trong giờ kiểm tra, thậm chí “khôn lỏi” để nhận phần lợi về mình. 

2️⃣ Nguyên nhân từ hoàn cảnh khách quan

Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp con không làm gì sai, nhưng hoàn cảnh khiến con có điểm khác biệt với bạn bè nên bị cô lập. Ví dụ, con học tốt, hay giơ tay phát biểu lại bị nghĩ là thích thể hiện; con giữ sổ đầu bài, nhắc nhở lớp giữ trật tự, báo cáo tình hình với cô thì bị coi là “gián điệp”, bạn bè làm gì cũng đẩy con ra; con rụt rè, ít nói thì bị gán mác không hòa đồng, “khinh thường” các bạn; con có ngoại hình ưa nhìn, chăm chút cho vẻ ngoài thì coi là “ăn diện”; con chăm chỉ học, không tham gia các cuộc chơi bời thì bị coi là “mọt sách”. 

▶ Tẩy chay thường bắt đầu bằng việc có con đặc điểm gì đó khác với số đông, sau đó bị cô lập, dần dần mối quan hệ của con và các bạn trở nên căng thẳng, càng để lâu càng khó cứu vãn. Tình trạng này không chỉ ảnh hướng tới sức khỏe tinh thần của con, ảnh hưởng tới năng suất học tập mà còn là là dấu ấn xấu trong tuổi thơ, khiến con có thể e ngại khi tiếp xúc với những người bạn mới sau này. Vậy cha mẹ có thể làm gì để đồng hành và giúp con vượt qua việc bị tẩy chay?

📌 CHA MẸ NÊN LÀM GÌ KHI CON BỊ BẠN BÈ TẨY CHAY?

Điều đầu tiên, cha mẹ cần nhìn nhận được tính nghiêm trọng của sự việc. Tẩy chay không phải “chuyện trẻ con tầm phào”, “lứa tuổi nào cũng thế”, “dần dần sẽ hết”,… Mặc dù có những việc con tự giải quyết được nhưng rất cần sự hỗ trợ và định hướng của cha mẹ để con không hành xử sai hướng, khiến tình trạng tệ hơn. 

Phương pháp chung của cha mẹ là quan tâm sát sao tới con hơn, bằng cách:

1️⃣ Giữ thói quen tâm sự cùng con, khiến con tin tưởng và chia sẻ thật lòng chuyện trên lớp.

2️⃣ Để ý tới tâm trạng của con khi đi học về để biết con có buồn vì gặp chuyện gì đó không?

3️⃣ Nói chuyện với thầy cô, bạn bè, phụ huynh khác để biết trong lớp đang diễn ra việc gì, con bị ảnh hưởng như thế nào?

4️⃣ Cuối cùng là cha mẹ hãy lắng nghe và tìm hiểu thấu đáo, hiểu rõ câu chuyện trước khi giúp con giải quyết. 

◾ Nếu hành động tẩy chay xuất phát từ những nét tính cách chưa đúng mực của con, cha mẹ cần đối thoại với con trước. Thay vì ép con phải làm thế này thế nọ hoặc dùng lời lẽ nặng nề để mắng con, cha mẹ có thể nhẹ nhàng giảng giải để con hiểu ra mình làm chưa đúng, cần thay đổi. Ví dụ, nếu phát hiện con bị tẩy chay vì tính ích kỷ, hay đổ lỗi cho người khác, nhận phần lợi hơn về mình, cha mẹ có thể cùng con xem một bộ phim hoặc đọc một câu chuyện, sau đó rút ra bài học tại sao không nên hành động như vậy. Hoặc nếu con không trung thực trong giờ kiểm tra, cha mẹ cần giải thích với con rằng bản chất của bài thi là giúp mình biết được trình độ của mình đang ở đâu, nếu được điểm cao do gian lận thì vô nghĩa mà còn gây bất công với các bạn khác – những bạn học hành chăm chỉ và làm bài nghiêm túc. 

◾ Trong trường hợp con bị tẩy chay do hoàn cảnh khách quan, bên cạnh việc trò chuyện cùng con, cha mẹ cần phối hợp cùng các bên liên quan khác như giáo viên, bạn bè, phụ huynh của các bạn cùng lớp. Một trường hợp tẩy chay khá phổ biến là các bạn cán bộ lớp thường bị coi là “gián điệp” của thầy cô và bị bạn bè xa lánh. Không chỉ bị “cách ly” khỏi các hoạt động của lớp mà đôi khi con còn bị bạn bè chơi xấu, giấu đồ, thậm chí đánh đập. Cha mẹ có thể nhờ cô nói chuyện với cả lớp hoặc luân phiên thay đổi đội ngũ cán sự. Nếu con bị tẩy chay do “không vừa mắt” các bạn “cầm đầu của lớp” – thường là những bạn có tiếng nói và lôi kéo được nhiều bạn nữa đứng về phía mình, cha mẹ cần nói chuyện trực tiếp với bạn hoặc phụ huynh của bạn đó.  

▶ Tẩy chay là ác mộng học đường của nhiều bạn học sinh, từ trường học tới lớp học thêm đều có thể gặp phải. Còn non nớt trong việc giải quyết vấn đề, con thường cam chịu không dám phản kháng hoặc nhờ sự giúp đỡ từ thầy cô, gia đình, dẫn đến sự sa sút về tinh thần và kết quả học tập. Lúc này, cha mẹ cần tinh tế quan sát, tìm hiểu ngay khi thấy điều bất thường, xác định mức độ, tìm hiểu nguyên nhân và can thiệp tùy mức độ. 

❓ Các bậc phụ huynh đã từng dùng phương pháp nào để giúp con thoát được vấn nạn tẩy chay, hãy chia sẻ kinh nghiệm trong phần bình luận phía dưới để cùng Trung tâm đẩy lùi vấn nạn này, tạo môi trường phát triển tốt nhất cho con nhé!

TRUNG TÂM NGOẠI NGỮ NP EDUCATION

Bài viết liên quan