TẠO ÁP LỰC CHO CON – NHƯ THẾ NÀO LÀ VỪA ĐỦ?

Áp lực không phải lúc nào cũng là điều xấu, đôi khi, áp lực đúng hướng có thể giúp con tiến bộ hơn. Đối với các con học sinh cấp 1 đang trong độ tuổi “biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”, sẽ rất khó để cha mẹ giúp con hiểu về áp lực. Nhưng chỉ 1 năm nữa thôi, con sẽ phải đối diện với kỳ thi bước ngoặt. Lúc này, con rất cần cha mẹ đồng hành để hướng dẫn con đi đúng đường, uốn nắn con dần quen với chuyện học hành, thi cử nghiêm túc. Vậy tạo áp lực thế nào để giúp con cố gắng theo đuổi mục tiêu mà không làm phản tác dụng, mời cha mẹ tham khảo 3 cách trong bài viết dưới đây. 

01. Tạo mối liên hệ giữa con và “ngôi trường mơ ước”

Cha mẹ thường “ngắm trước” những ngôi trường tốt cho con và đặt mục tiêu con phải cố gắng ôn vào trường đó. Mặc dù điều này xuất phát từ tình yêu thương và sự lo lắng của cha mẹ nhưng đôi khi con lại cảm thấy bị ép buộc, thậm chí có thể sinh ra tâm lý chống đối. 

Nếu đã chọn được trường cho con, cha mẹ nên chia sẻ hình ảnh, clip về trường, dắt con tới tham quan trường hoặc nhờ các anh chị đang học tại trường kể về các hoạt động cho con. Cũng là ngôi trường đó, nhưng giờ đây tâm thế của con là “tự nguyện” thích trường chứ không phải bị “bắt ép” bởi cha mẹ, nhờ vậy con có thể chủ động phấn đấu vào trường hơn. 

02. Rèn cho con thói quen học ra học, chơi ra chơi

Con học được 5 phút thì nghỉ đi uống nước, uống nước xong thì mở truyện tranh ra đọc, đọc chán thì lôi giấy ra vẽ vời, mãi 1 tiếng sau mới chợt nhớ ra mình đang….học. Chắc hẳn cha mẹ đã quen với tình huống này rồi. Con càng nhỏ, sức tập trung càng yếu, nếu không rèn luyện dần dần thì cả buổi ngồi vào bàn thực chất cũng không học được bao nhiêu.

Cha mẹ nên hướng dẫn con phân chia thời gian biểu phù hợp: lúc nào dành để học, lúc nào dành để chơi? Thời gian ban đầu, cha mẹ có thể ngồi cùng để con nghiêm túc thực hiện. Khi con đã dần quen, cha mẹ có thể làm việc, đọc sách gần đó để con có không khí học hành. Để tách bạch chuyện học – chơi như vậy, con cần có không gian riêng biệt, bàn học không nên đặt trong phòng khách nơi mọi người đang nghỉ ngơi, xem TV hoặc quá gần phòng ngủ. Nếu được, cha mẹ hãy giúp con sắp xếp một không gian học thoáng đãng, yên tĩnh nhé! Hoàn thành mục tiêu giờ học xong, con có thể thoải mái vui chơi, gác lại chuyện học hành trong lúc giải lao thư giãn. 

03. Cùng con luyện các kỹ năng xử lý bài thi

Thi vào trường tốt đồng nghĩa với việc đối diện với “tỷ lệ chọi” cao. Để đạt được kết quả ưng ý, ngoài kiến thức, con cũng cần nắm vững các kỹ năng làm bài thi. Các con Tiểu học thường chưa quen với áp lực thi cử, thậm chí chưa hiểu kỳ thì này có ý nghĩa thế nào với mình. Trung tâm nghe cha mẹ chia sẻ nhiều bạn làm bài chán quá thì bỏ dở ngồi chơi, hoặc đôi khi là…lăn ra ngủ! 

Cha mẹ có thể giúp con quen dần với áp lực thi cử và luyện kỹ năng làm bài bằng cách mô phỏng giờ thi ngay tại nhà. Trước mặt con sẽ có thiết bị bấm giờ còn cha mẹ sẽ đóng vai giám thị, quan sát quá trình làm bài của con. Trong quá trình ấy, cha mẹ có thể phát hiện những lỗ hổng trong kỹ năng làm bài của con, từ đó đưa ra được giải pháp cụ thể giúp con cải thiện. Ví dụ, con không có thói quen dùng nháp, thường làm luôn vào đề rồi gạch xóa nếu làm sai, cha mẹ sẽ hướng dẫn con trình bày các bước ra nháp trước. Nếu con thường làm từ trên xuống dưới, câu nào khó thì bị “mắc” lại, tốn nhiều thời gian suy nghĩ rồi cuối giờ mới cuống cuồng làm câu khác, cha mẹ hãy hướng dẫn con làm câu dễ trước, câu khó sau để đảm bảo không mất điểm oan. 

Trên đây chỉ là 3 trong nhiều phương pháp cha mẹ có thể áp dụng để tạo áp lực vừa phải cho con. Nếu cha mẹ có những cách thức khác, hãy chia sẻ cùng các bậc phụ huynh khác trong phần bình luận nhé! 

Trung tâm Ngoại ngữ NP Education

Bài viết liên quan