RÈN LUYỆN CHO CON KHẢ NĂNG TẬP TRUNG

🌟 THỬ NGAY 05 PHƯƠNG PHÁP RÈN KHẢ NĂNG TẬP TRUNG 

20:00 – Ngồi vào bàn học

20:15 – Tìm được phiếu bài tập phải làm

20:30 – Cầm bút viết chữ đầu tiên

20:40 – Nhóm lớp có tin nhắn mới, mở ra xem là ai nhắn nào, tiện thể lướt Facebook một tí, video có vẻ thú vị, xem 5’ thôi, game này có gì “hot” mà nhiều người chơi thế nhỉ, tải xuống chơi thử 5 phút,…

Rất nhiều “5 phút” trôi qua và tới 22:00 thì cơn buồn ngủ ập tới, “thôi chưa gấp, để mai làm vậy!”.

“Nhật ký học bài” của các con thường sẽ diễn ra như thế. “Sáng rửa cưa, trưa mài đục” – con có 1001 lý do để xao nhãng chuyện học hành. Nếu cha mẹ đang đau đầu tìm giải pháp để con tập trung học hơn, hãy click vào từng bức ảnh để hiểu hơn về 05 gợi ý của Trung tâm Ngoại ngữ NP Education giúp con rèn tính tự giác học tập ngay từ những năm cấp 2 nhé!

1 – Tạo không gian học tập yên tĩnh cho con

Sự tập trung của con chịu sự ảnh hưởng lớn từ không gian học tập. Hiếm có bạn nhỏ nào tập trung làm bài được nếu tiếng TV, tiếng em khóc, tiếng nói chuyện ồn ào liên tục phát ra ở xung quanh. Nếu được, cha mẹ nên sắp xếp cho con phòng hoặc không gian học tập riêng, tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. 

Một cách hữu hiệu hơn nữa là tạo ra không gian làm việc, học tập chung của cả gia đình, nghĩa là khi con làm bài thì cha mẹ cũng ngồi cạnh đó để làm việc. Điều này khiến con cảm thấy cha mẹ là “đồng nghiệp” của mình chứ không phải “giám sát viên”. Ví dụ, khoảng thời gian từ 8-10h tối là lúc gia đình ngồi yên tĩnh làm & học, con sẽ rèn được thói quen tới đúng giờ là cần ngồi vào bàn, vì không thể xao nhãng khi tất cả mọi người đều tập trung được.

2 – Giới hạn thời gian sử dụng ipad/máy tính/điện thoại của con

Hiện nay gần như bạn nhỏ nào cũng được trang bị điện thoại từ lớp 6, lớp 7, thậm chí sớm hơn. Một mặt, việc này giúp con giữ liên lạc với cha mẹ, thầy cô, bạn bè, cũng như “lên mạng” để học tập. Nhưng mặt khác, điện thoại là công cụ dễ gây xao nhãng.

Để tránh tình trạng này, khi giao điện thoại cho con, cha mẹ nên đặt một khoảng thời gian giới hạn để con dùng điện thoại. Ví dụ, trong khoảng thời gian 8-10h tối, con sẽ đặt điện thoại ở một chỗ xa vị trí học và tập trung làm bài. Cha mẹ cũng lưu ý rằng, tất cả phương pháp nên bắt nguồn từ việc khuyến khích, khuyên răn con, tuyệt đối không tịch thu điện thoại (hoặc các phương pháp tương tự) để tránh gây phản tác dụng. Cấp 2 là lứa tuổi phải triển tâm lý nhạy cảm, dễ ương bướng và thích chống đối, nên người lớn càng cần phải để ý tới cách cư xử của mình.

3 – Cùng con xây dựng thời gian biểu

Sắp xếp thời gian là kỹ năng cần thiết cho cả các bạn học sinh và người lớn. Nếu rèn được ngay từ nhỏ, công việc sau này của con sẽ được sắp xếp quy củ và tiến hành suôn sẻ hơn. Hiện nay, các con thường đợi tới buổi tối trước khi có lớp học mới mở lại bài cũ xem có bài tập gì không, sau đó vội vã làm để tránh bị cha mẹ, thầy cô phạt. Việc làm bài chống đối này khiến con không hiểu bài sâu, thậm chí còn sinh ra tâm lý áp lực, sợ học. 

Cha mẹ có thể giúp con bằng cách hướng dẫn con tạo thời gian biểu, sắp xếp trước khung giờ học cả tuần. Ví dụ, mỗi Chủ nhật, cha mẹ ngồi lại cùng con xem tuần sau có những môn nào có bài tập, sau đó phân bổ thời gian làm bài trước đó 1-2 ngày để con có thời gian suy nghĩ và không làm sót bài.

4 – Bấm giờ cho mỗi đầu việc

Như ví dụ đầu tiên về “nhật ký học bài” của con, nhiều bạn học sinh đã ngồi đủ 2 tiếng ở bàn nhưng kết quả thì gần như không có chữ nào vào đầu cả. Lý do là con không có “áp lực” để hoàn thiện những chuyện chưa gấp. Đôi khi cha mẹ nên tạo cho con một chút “áp lực” về mặt thời gian để con có trách nhiệm hoàn thiện việc của mình. 

Ví dụ, giống như việc làm một đề Tiếng Anh trên lớp 60 phút, con cũng có thể “bấm giờ” để làm bài tập ở nhà. 5 bài Toán làm trong 60 phút, 1 bài Văn soạn trong 30 phút, 30 từ vựng học thuộc lòng trong 45 phút. Như vậy, con sẽ có thêm động lực hoàn thiện bài trước khi chuông reo, và không còn “lề mề”, trì hoãn nữa.

5 – Tự tạo phần thưởng tinh thần cho bản thân

Trung tâm hiểu rằng việc thay đổi thói quen với nhiều bạn nhỏ không phải chuyện dễ dàng, một sớm một chiều. Có phần thưởng cho những cố gắng của mình sẽ cho con nhiều động lực hơn. 

Thay vì đặt sẵn những phần thưởng vật chất như cách truyền thống, cha mẹ có thể gợi mở cho con hiểu rằng: nếu đạt được mục tiêu đề ra, con sẽ tận hưởng được những món quà tinh thần do việc đó mang lại. Ví dụ, sáng Chủ nhật nào con cũng phải dậy sớm, vội vã làm bài tập để chiều nộp cho cô. Nếu con biết phân bổ thời gian hợp lý trong tuần, hoàn thành bài sớm, sáng Chủ nhật con có thể dành để ngủ nướng hoặc xem một bộ phim yêu thích. 

Trung tâm Ngoại ngữ NP Education

Bài viết liên quan