“Con ghét học ngữ pháp. Ngấy lắm. Toàn chữ là chữ thôi.” – Câu mè nheo này hẳn phải quen thuộc với cha mẹ lắm!
Nhưng nói ngữ pháp “chán” thì… oan cho ngữ pháp quá. Cũng giống như khi nhận xét một người “nhạt”, có thể họ cũng thú vị lắm chứ, chỉ là cách tiếp cận của chúng ta chưa đúng thôi!
Học ngữ pháp với nhiều học sinh là những ngày “học nhồi” lý thuyết. Cứ đọc đi đọc lại những con chữ khô queo rồi làm đề khiến con nghĩ rằng học ngữ pháp chỉ có vậy: nhàm chán và tốn thời gian. Thực chất, ngữ pháp chính là nền tảng ngôn ngữ, nếu nền móng không vững chắc, con càng học lên cao sẽ càng thấy Nghe – Nói – Đọc – Viết sao mà khó chinh phục quá. Và để “thành thần” ngữ pháp, ngoài khả năng ghi nhớ, con cần hiểu bản chất và “ngấm” kiến thức một cách logic nhất.
Trong bài viết dưới đây, Trung tâm ngoại ngữ NQ Education sẽ cùng cha mẹ & con trả lời hai câu hỏi: “Ngữ pháp đóng vai trò gì trong việc học Tiếng Anh?” & “Làm thế nào để con học ngữ pháp dễ dàng hơn?”.
1 – VAI TRÒ CỦA NGỮ PHÁP TRONG TIẾNG ANH
Có một liên tưởng thú vị rằng Tiếng Anh chính là Toán học phiên bản “nhiều chữ”. Ngữ pháp Tiếng Anh, về cơ bản cũng là một bộ công thức giúp các con ứng dụng một cách logic. Nếu nắm vững các công thức Toán giúp con giải được bài toán dễ dàng, thì hiểu rõ ngữ pháp Tiếng Anh là nền tảng để con rèn luyện toàn diện cả bốn kỹ năng Nghe – Nói – Đọc – Viết.
Với Nghe – Nói, đôi khi người bản xứ cũng “phá quy tắc”, chỉ chú trọng tới hiệu quả giao tiếp, nên con có thể không cần quá khắt khe ngữ pháp phải đúng 100%. Tuy nhiên, ngữ pháp lại có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc con có đọc hiểu tốt và viết chuẩn hay không.
Đối với việc đọc hiểu, con không nhất thiết phải biết nghĩa của từng từ vựng trong bài để hiểu bài đó nói về vấn đề gì, nhưng con nhất định cần nắm vững các cấu trúc câu – đọc câu nào lên, hiểu ngay câu đó. Câu điều kiện, câu đảo ngữ, mệnh đề quan hệ,… – chúng xuất hiện nhiều vô cùng trong các bài đọc, và sau này là tài liệu nghiên cứu, báo nước ngoài, tiểu thuyết,… Đứng trước dạng ngôn ngữ mang đầy tính học thuật khi lên Đại học hoặc đi làm, nếu không nắm chắc ngữ pháp, con khó có thể “hấp thụ” nổi những tài liệu này.
Đối với việc viết, ngữ pháp đa dạng sẽ giúp tốc độ viết nhanh hơn, bài viết cũng trở nên phong phú, hấp dẫn hơn; tránh tình cảnh vật lộn “vắt óc” ghép từng từ để tạo ra câu hoàn chỉnh. Ví dụ, thay vì chỉ nói đơn giản “He waited for everyone to take their seats, then he started his speech”, chúng ta có các cách nói mới mẻ hơn như “Hardly had everyone taken their seats when he started his speech”, hay “Not until everyone took their seats did he start his speech”. Hơn nữa, việc sử dụng nhuần nhuyễn ngữ pháp cũng giúp tăng chất lượng bài luận – một lợi thế đáng kể khi apply du học hoặc khi làm các bài thi học sinh giỏi, thi vào lớp chuyên. Sau này khi con lớn lên, việc viết Tiếng Anh tốt sẽ giúp con giao tiếp tốt hơn với giáo sư ở trường đại học, với nhà tuyển dụng, với đồng nghiệp, với sếp. Từ đó, họ hiểu rõ ý tưởng của con hơn và tôn trọng con hơn rất nhiều.
2 – LÀM THẾ NÀO ĐỂ HỌC NGỮ PHÁP DỄ DÀNG HƠN?
Hãy chia việc học ngữ pháp ra thành 04 giai đoạn: Lý thuyết – Bài tập vận dụng – Áp dụng lý thuyết – Sử dụng lý thuyết trong 4 kỹ năng. Học sinh thường “mắc kẹt” ở giai đoạn số 02 nên mới sinh ra tâm lý ngại và buồn ngủ học ngữ pháp. Con đã học đến giai đoạn số 04 chưa? Cha mẹ hãy cùng Trung tâm tìm hiểu từng bước một nhé!
Giai đoạn 1: Lý thuyết
Ở giai đoạn này, nhiều bạn học sinh chỉ cố gắng “học vẹt” để qua bài kiểm tra. Hãy coi lý thuyết là những quy tắc sử dụng một ngôn ngữ, nên con cần hiểu đúng, hiểu sâu: nắm vững cấu trúc, phân tích từng ví dụ. Giống như khi chơi game, con cần nghe luật chơi trước để hình dung sơ lược, rồi mới bước vào lượt chơi thử.
Giai đoạn 2: Bài tập Vận dụng để hiểu Lý thuyết
Làm đề – cụm từ “gây ám ảnh” với bao thế hệ học sinh và cũng là “nhiệm vụ” chính của con trong giai đoạn 2. Nếu kiến thức lý thuyết chỉ mới dừng lại ở việc tiếp nhận một chiều, trong giai đoạn 2, con phải áp dụng những gì đã học để giải bài tập, xác định chỗ nào đúng, chỗ nào sai. Nhiều khi con chưa hiểu Lý thuyết, nhưng làm bài tập xong lại hiểu ra vấn đề. Ở các trò chơi, đây chính là “lượt chơi thử”. Nghe giải thích luật có khi con không hiểu gì, nhưng chơi thử xong lại hiểu tắp lự. Và càng chơi, càng hiểu, càng thích.
Giai đoạn 3: Bài tập Vận dụng để áp dụng Lý thuyết
Có thể nhiều bạn học sinh sẽ thấy xa lạ với giai đoạn này, vì nếu chỉ học để được điểm cao bài kiểm tra, các bạn sẽ chỉ tập trung “làm đề” ở giai đoạn 2. Sau khi hiểu kỹ càng kiến thức ngữ pháp rồi, con nên vận dụng những kiến thức đó để đưa Tiếng Anh vào đời sống của mình, giúp mình tăng phản xạ và tư duy bằng Tiếng Anh. Ví dụ, con có thể áp dụng ngữ pháp đã biết để kể một câu chuyện bằng lời văn của mình hoặc viết nhật ký bằng Tiếng Anh.
Giai đoạn 4: Sử dụng Ngữ pháp trơn tru trong các Kĩ năng
Nếu đã “nằm lòng” các cấu trúc ngữ pháp trong đầu, đây là giai đoạn để con rèn luyện Kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết trơn tru, tự nhiên hơn. Cha mẹ có thể khuyến khích con xem các chương trình nước ngoài để hiểu người bản xứ nói chuyện như thế nào, thường sử dụng những cấu trúc gì, ngữ cảnh ra sao. Có như vậy, việc học ngữ pháp của con mới đạt được mục đích cao nhất là giúp con tự tin giao tiếp và làm việc bằng Tiếng Anh trong môi trường toàn cầu.
Sau bài viết này, Trung tâm ngoại ngữ NQ Education mong cha mẹ sẽ hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của ngữ pháp và biết con đang ở giai đoạn học ngữ pháp nào. Học sâu ở mỗi giai đoạn và cố gắng leo lên giai đoạn cao hơn sẽ giúp con hiểu ngữ pháp Tiếng Anh theo cách logic, từ đó nhận thấy việc học thú vị và dễ dàng hơn rất nhiều. Nếu còn thắc mắc và trăn trở trong hành trình học Tiếng Anh của con, cha mẹ hãy liên hệ cùng Trung tâm để được tư vấn sát sao nhé!
TRUNG TÂM NGOẠI NGỮ NQ EDUCATION