📚 HỌC NGHĨA TIẾNG VIỆT SONG SONG VỚI TỪ VỰNG TIẾNG ANH – NÊN HAY KHÔNG NÊN?
Theo phương pháp học Tiếng Anh truyền thống, mỗi từ vựng sẽ luôn được dịch nghĩa Tiếng Việt để học sinh học thuộc. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng hiểu nghĩa của từ mới theo định nghĩa Tiếng Anh sẽ giúp con tư duy bằng Tiếng Anh nhuần nhuyễn hơn. Dù vẫn có nhiều tranh cãi, nhưng ngày càng nhiều thầy cô nghiêng về phương pháp “học hiểu” cả tiếng mẹ đẻ và ngoại ngữ.
Vậy tại sao học sinh Việt Nam nên học nghĩa Tiếng Việt song song với từ vựng Tiếng Anh? Cách học này có có ưu, nhược điểm thế nào và có thể làm gì để khắc phục nhược điểm ấy? Hãy cùng Trung tâm ngoại ngữ NP Education tìm kiếm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé!
1️⃣ Ưu điểm của phương pháp học song song hai ngôn ngữ Anh – Việt.
◾ Thứ nhất, việc học từ vựng kèm nghĩa Tiếng Việt sẽ giúp học sinh cảm thấy dễ hiểu, dễ nhớ ngay lần đầu gặp từ mới, đặc biệt đối với những bạn nhỏ mới tiếp xúc với ngôn ngữ thứ hai. Khi đối diện với ngôn ngữ khác tiếng mẹ đẻ, nếu không được dẫn dắt bằng Tiếng Việt, các con dễ bị sợ và loạn vì không hiểu sách viết gì, cô nói gì, dẫn đến tình trạng “trốn tránh” học ngoại ngữ. Sau khi đã có một vốn từ kha khá rồi, con có thể sử dụng vốn từ đó để tự tra từ điển Anh – Anh, và tự học thêm các từ vựng khác.
◾ Thứ hai, học nghĩa Tiếng Việt giúp con nhớ từ sâu sắc hơn, thay vì đại khái, chung chung. Sau khi đọc định nghĩa bằng Tiếng Anh và đọc các câu ví dụ, con sẽ mất thời gian suy nghĩ và chọn lọc để tìm ra từ Tiếng Việt tương đương phù hợp nhất. Nhờ đó, con không bị lẫn lộn khi gặp các từ vựng gần nghĩa hoặc có cách viết gần giống nhau. Ví dụ, “red” là “đỏ”, còn “reddish” lại là “hơi đỏ”; “dessert” là “món tráng miệng” còn “desert” là “sa mạc”. Nếu chỉ nhớ mang máng thì con rất dễ dùng nhầm từ.
◾ Thứ ba, thuộc nghĩa Tiếng Việt là bước đệm để con linh hoạt chuyển đổi giữa hai ngôn ngữ. Điều này sẽ tạo điều kiện tốt hơn để con học tập và làm việc ở Việt Nam. Nếu quen tư duy bằng Tiếng Anh, con sẽ gặp khó khăn khi phải dịch ý của mình sang Tiếng Việt và ngược lại. Không tìm được từ phù hợp hoặc nói chuyện ngắc ngứ, vấp váp cũng là nguyên nhân khiến người đối thoại hiểu sai ý con.
2️⃣ Vậy việc học nghĩa Tiếng Việt có thể gây ra những vấn đề gì và phải làm sao để khắc phục những điều đó?
◾ Đầu tiên, phụ thuộc quá nhiều vào nghĩa Tiếng Việt có thể khiến con hiểu sai bản chất của từ Tiếng Anh. Có nhiều từ Tiếng Anh không có nghĩa tương đương trong Tiếng Việt, hoặc có nét nghĩa khác nhau mà phải dựa vào ngữ cảnh mới hiểu được. Ví dụ, “childish” và “childlike” đều là tính từ và dễ bị dịch chung thành “trẻ con”. Nhưng “childish” mang gam màu tiêu cực hơn, với ý nghĩa “ngốc nghếch, thiếu chín chắn”, còn “childlike” thường được sử dụng trong các trường hợp tích cực hơn, để chỉ sự ngây thơ, trong sáng, trung thực hay nhiệt tình giống hệt như những đứa trẻ. Chính vì thế, nếu sử dụng từ “childish” để khen ngợi ai đó, ta hoàn toàn có thể khiến đối phương hiểu nhầm!
Để khắc phục nhược điểm này, thay vì tin tưởng hoàn toàn vào cách dịch của Google hoặc từ điển Việt – Anh, con nên tự tra từ điển Anh – Anh để hiểu bản chất của từ, sau đó tìm từ Tiếng Việt tương ứng, đặt câu nếu từ nhiều nghĩa. Sau đó con có thể kiểm tra lại với những người có chuyên môn như thầy cô, anh chị hoặc bạn bè học giỏi Tiếng Anh.
◾ Ngoài ra, nhiều người nghĩ học nghĩa Tiếng Việt khiến con phải tư duy hai lần, tức là phải dịch từ Tiếng Việt sang Tiếng Anh lúc nói & viết cũng như dịch từ Tiếng Anh sang Tiếng Việt lúc đọc & nghe, dẫn đến phản xạ chậm. Nhưng thực chất, phản xạ Tiếng Anh nhanh hay chậm không bị ảnh hưởng bởi việc học nghĩa Tiếng Việt của từ. Muốn phản xạ nhanh, con cần tập luyện nhiều bằng cách ứng dụng vốn từ của mình vào các kỹ năng. Vậy nên, chúng ta không nên để việc học song song hai ngôn ngữ bị “đổ oan” là tác nhân gây phản xạ chậm!
Qua bài viết này, Trung tâm ngoại ngữ NP Education hy vọng cha mẹ và con đã có cách nhìn nhận đúng về việc học nghĩa Tiếng Việt song song với từ vựng Tiếng Anh, những ưu điểm cũng như cách khắc phục nhược điểm. Nếu có thắc mắc gì về quá trình học Tiếng Anh, cha mẹ đừng ngại ngần chia sẻ cùng Trung tâm nhé!
TRUNG TÂM NGOẠI NGỮ NP EDUCATION