🕵️ MUỐN GIỎI NGỮ PHÁP, LUÔN TỰ HỎI “TẠI SAO LẠI LÀ ĐÁP ÁN NÀY?”
Khi làm bài ngữ pháp, nhiều con cố gắng chạy đua với thời gian, chỉ muốn hoàn thành nhanh để biết mình được bao nhiêu điểm. Tự đặt áp lực thời gian cũng là một cách học, nhưng điều này vô tình lại khiến một số bạn làm bài theo cảm tính, thấy đáp án “có vẻ đúng” là khoanh ngay. Vì vậy mà đôi khi, con bị mất điểm vì những lỗi sai không đáng có.
luôn khuyến khích học sinh làm bài ngữ pháp “chậm mà chắc”, nghĩa là, chỉ khoanh đáp án khi giải thích được vì sao mình chọn đáp án đó.
Vì sao các con nên áp dụng phương pháp này trong khi làm bài tập ngữ pháp? Hãy cùng Trung tâm tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé!
1️⃣ Các quy tắc ngữ pháp Tiếng Anh có mối liên hệ chặt chẽ
Thay vì khoanh bừa, hên thì trúng, xui thì sai, hoặc làm theo linh tính “cái này xuôi xuôi tai đó”, con hoàn toàn có thể dựa vào kiến thức đã học để chọn đáp án đúng.
Ví dụ khi gặp câu hỏi điền vào chỗ trống “You look tired. I ………. make you a drink!” (Trông bạn mệt quá. Tôi sẽ pha gì đó cho bạn uống nhé!), con phân vân hai đáp án là “A. will” và “B. am going to”. Trong trường hợp này, hãy nhớ lại cách dùng của từng trường hợp. Tương lai đơn (Will) sẽ dùng để nói về quyết định nhất thời (chưa có dự định từ trước), nhưng Tương lai gần (Going to) lại dùng khi đã có ý định, dự định làm gì từ trước rồi. Trong tình huống này, nhân vật nhìn thấy bạn mình mệt bèn quyết định pha nước cho bạn, vậy nên đáp án đúng sẽ là “A. will”.
Như vậy, chỉ cần phân tích kỹ từng dữ kiện trong đề bài và nắm chắc các quy tắc ngữ pháp, con có thể chắc chắn giành điểm trong câu hỏi này. Một điểm cần đặc biệt lưu ý là con cần học thuộc các trường hợp bất quy tắc, chẳng hạn khi thấy “I promise” hoặc trạng từ “probably”, con sẽ sử dụng “Will” trong câu đó. Điều này giúp quá trình làm bài của con nhanh và chính xác hơn.
2️⃣ Luyện tập giải thích đáp án cũng chính là xây dựng tư duy phản biện sau này
Tư duy phản biện (critical thinking) là kỹ năng cần-phải-có trong quá trình học tập và phát triển tương lai của con. Tư duy phản biện giúp con đánh giá mọi thứ logic, dễ nhìn thấu bản chất của vấn đề, tỉnh táo trước những lỗi ngụy biện. Để hình thành tư duy phản biện, con luôn phải tự đặt câu hỏi “tại sao?’ và đi tìm lời giải thích thỏa đáng.
Với phương pháp làm bài thi “chậm mà chắc”, trước khi chọn đáp án con phải luôn tự hỏi “Tại sao là đáp án này mà không phải đáp án khác?” Trả lời được như vậy, con sẽ hiểu gốc rễ vấn đề dựa trên kiến thức học thuật thay vì cảm tính bất chợt, từ đó hiểu logic từ lý thuyết tới bài thi, nhờ vậy mà giải quyết trúng hơn, đúng hơn.
Một minh chứng điển hình cho vấn đề này là dạng bài điền dạng đúng của từ. Con cần xác định từ còn thiếu là danh từ, động từ, tính từ hay trạng từ để chọn dạng thức phù hợp, đồng thời hiểu nghĩa của cả câu để chọn từ mang sắc thái khẳng định hay phủ định. Thậm chí, nếu đó là một động từ, con còn phải dựa vào bối cảnh bài viết để chia thì sao cho đúng, và để ý chủ ngữ/vị ngữ là số nhiều hay số ít để chia động từ cho thật chính xác.
➡️ Sau bài viết này, Trung tâm Ngoại ngữ NP Education hy vọng cha mẹ sẽ khuyến khích con làm bài tập để đạt chất lượng thay vì số lượng. Ban đầu, cứ “chậm mà chắc”, đến khi luyện nhuần nhuyễn, thao tác làm bài sẽ dần nhanh và chính xác hơn.
Trung tâm Ngoại ngữ NP Education