👩🏻 Chia sẻ từ cô Hải Anh tại Trung tâm NP Education
Phần viết đoạn văn (Writing) dường như luôn là một thử thách đối với các sĩ tử trong phòng thi môn Tiếng Anh. Để đạt điểm cao trong phần thi này, các con cần bám sát theo 4 tiêu chí chấm điểm: (1) Từ vựng và ngữ pháp, (2) Tính mạch lạc, (3) Tính kết nối & (4) Kiến thức nền.
Cô Hải Anh đã có những chia sẻ rất tâm huyết về các tiêu chí cũng như việc làm thế nào để con ghi điểm trong từng tiêu chí đó. Hãy click vào từng ảnh và lắng nghe lời dặn dò của cô Hải Anh trước kỳ thi quan trọng nhé!
1- Từ vựng và ngữ pháp (Vocab and Grammar):

Đầu tiên, con cần chú ý đến tính chính xác. Chọn từ, cấu trúc đúng và chính xác là điều cơ bản nhất có thể làm; ngữ pháp nếu chưa nắm vững có thể xem lại lý thuyết và làm một số bài tập cho chắc chắn; từ vựng hãy bắt đầu bằng việc sử dụng từ vựng đúng ngữ cảnh và đúng cấu trúc đi kèm của mỗi từ. Tiếp đó, con cần cố gắng đa dạng hoá từ vựng và ngữ pháp với mục tiêu không lặp những cách diễn đạt đã dùng rồi. Cuối cùng, nếu được, con hãy lựa chọn từ và cấu trúc nâng cao hơn. Phần này sẽ khó để học gấp, vì từ vựng và ngữ pháp nâng cao cần phải học rất cẩn thận, đặc biệt về bối cảnh sử dụng. Ví dụ, không phải trong trường hợp nào từ đồng nghĩa cũng có thể thay thế cho nhau.
2 – Tính mạch lạc (Coherence):

Sự logic khi phát triển ý phải được đảm bảo mỗi khi phân tích 1 ý nhỏ (supporting idea). Cụ thể, trong mỗi ý nhỏ, con cần giải thích/làm rõ và đưa ví dụ nếu có, thay vì sang ngay ý mới, vì điều đó dẫn đến việc các ý đưa ra bị nông, không thuyết phục. Ngoài ra, từng ý nhỏ cũng đều phải luôn đi theo một kim chỉ nam duy nhất, đó là làm rõ cho câu chủ đề (topic sentence) của bài, hay chính là câu giới thiệu (intro sentence) của đoạn.
3 – Tính kết nối (Cohesion):

Công cụ dễ sử dụng nhất để tăng tính kết nối giữa các ý/các câu chính là “linking devices” (dùng để thêm ý, giải thích, nêu ví dụ, liệt kê, nêu mối quan hệ tương đồng/đối lập, v.v).
4 – Kiến thức nền (Background knowledge):

Phần lớn các bài Writing sẽ yêu cầu các con nêu kiến thức của bản thân về một chủ đề nào đó, hoặc là nêu quan điểm/ý kiến của các con về một nhận định/chủ đề nào đó. Yêu cầu thứ hai khó hơn vì không những phải biết về chủ đề đó mà con còn phải có khả năng phân tích. Do vậy, để chuẩn bị tâm thế cho mục này, trước khi thi con hãy nghiên cứu về một số chủ đề nóng trong xã hội bây giờ, ví dụ như COVID-19, môi trường, việc làm, công nghệ, việc dạy và học trực tuyến,… Với mỗi chủ đề lớn đó, hãy liệt kê ra các chủ đề nhỏ hơn và tìm hiểu về hiện trạng, nguyên nhân, giải pháp, ưu điểm, nhược điểm của hiện tượng/vấn đề.
Ví dụ trong lĩnh vực lớn Môi trường (Environment), một trong những chủ đề nhỏ hơn hay được nói đến là Thay đổi khí hậu (Climate change). Vậy các bạn cần tìm hiểu:
– Climate change là gì, xảy ra từ bao giờ, tình hình hiện tại thế nào?
– Những nguyên nhân gây ra Climate change là gì?
– Cụ thể những ảnh hưởng/tác động tới con người/thiên nhiên/kinh tế của Climate change là gì?
– Với những nguyên nhân, vấn đề của Climate change thì có những giải pháp nào có thể giải quyết được, độ hiệu quả đến đâu?
– Phân tích ưu, nhược điểm và so sánh của các giải pháp được đề ra để giải quyết cùng một vấn đề, nguyên nhân.
Con hãy luyện tập bằng cách lặp lại các mục như vậy với các chủ đề nhỏ khác trong chủ đề lớn Environment, và sau đó làm tương tự với các chủ đề lớn khác.
Trung tâm Ngoại ngữ NP Education