BẢN CHẤT CỦA IELTS LISTENING

️🎧 HIỂU BẢN CHẤT BÀI THI IELTS LISTENING ĐỂ TĂNG BAND ĐIỂM 

📍 Nhiều bạn học sinh từng gặp tình huống nghe Tiếng Anh không hiểu gì hết, thế nhưng đọc transcript lại thấy toàn từ thân quen! 

📍 Cũng có khi nghe ra được keywords (từ khóa) rồi, vậy mà vẫn chọn sai đáp án. 

📍 Đôi khi chăm chỉ ghi chú được ý đầu tiên, bài nghe đã chạy sang ý số 4, số 5. 

Nghe chưa tốt, ôn IELTS Listening thế nào đây?

Trong bài viết hôm nay, hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của cô Hải Anh – giáo viên luyện thi IELTS tại NP Education về bí quyết chinh phục phần thi này nhé!

01. BẢN CHẤT 4 PHẦN THI IELTS LISTENING

Phần thi IELTS Listening được chia làm 4 section. 

📍 Section 1 & 2 thường có chủ đề về các tình huống trong cuộc sống. Đây là phần dễ ghi điểm bởi cấu trúc và từ vựng đều khá quen thuộc.

📍 Với section 3 & 4, bài nghe sẽ đặt trong bối cảnh học thuật. Hai phần này sẽ khó kiếm điểm hơn vì học sinh gặp nhiều từ vựng học thuật và cần nắm nhiều kiến thức hơn. 

Ngoài ra, các dạng bài khác nhau sẽ có độ khó khác nhau. Ví dụ, trong dạng bài điền từ, bạn có thể chỉ cần có kỹ năng nghe tốt để điền từ chính xác vào chỗ trống. Tuy nhiên, khi gặp dạng đề trắc nghiệm hoặc nối đáp án, ngoài kỹ năng nghe, bạn cần đọc nhanh hết các đáp án và kết hợp khả năng suy luận để chọn ra đáp án đúng nhất. 

02. NHỮNG SAI LẦM CẦN TRÁNH KHI ÔN THI LISTENING

Không khó để cha mẹ và con bắt gặp những mẹo làm bài IELTS trên mạng. Những tips/trick này đúng là có thể giúp tăng band điểm Listening, nhưng thường chỉ giúp các bạn đang ở mức 1.0, 2.0 lên được tới nhiều nhất là 4.0, 5.0. Nếu chỉ phụ thuộc vào mẹo thi, hoặc cố gắng chọn đáp án theo keywords, bạn sẽ khó đạt điểm cao hơn 5.5. Những tips/trick này không khác gì việc làm bài thi trắc nghiệm nhưng khoanh hết 1 đáp án (và “chắc mẩm” trong đầu thế nào cũng được 20-25% đúng), và tất nhiên, điểm chỉ dừng ở mức đó thôi! Lấy một ví dụ đơn giản, nếu bạn chỉ chăm chăm nghe từ khóa, cả 4 đáp án đều có từ khóa giống nhau thì khoanh thế nào đây? 

Nếu muốn điểm cao hơn, từ 5.5 trở lên, bạn buộc phải luyện nghe thực chất. Nói cách khác, bạn cần nghe và hiểu được bài, từ đó suy luận để chọn đáp án đúng. Quay lại ví dụ trên, khi nghe hiểu được rồi, bạn sẽ biết chắc được phương án nào là đúng nhất. Hai đáp án đúng-sai, đôi khi chỉ khác nhau 1 từ thôi đó!

03. PHƯƠNG PHÁP ÔN TẬP ĐỂ TĂNG ĐIỂM LISTENING

Hiểu được bản chất rồi, vậy ôn thi Listening thế nào cho hiệu quả đây?

📍 Luyện nghe kiểu “mưa dầm thấm lâu”

Không ai có thể nghe tốt chỉ sau ngày một, ngày hai. Luyện nghe là cả một quá trình dài bền bỉ luyện tập, không nên chỉ vì nghe không hiểu lần đầu mà nản chí ôn luyện. Nghe thêm 2-3 lần nữa, bạn chắc chắn sẽ nghe thấy nhiều từ hơn, hiểu nhiều ý hơn. Để luyện nghe, bạn có thể tận dụng tất cả mọi hình thức từ TVshow, thời sự, phim Anh Mỹ, chương trình Youtube, podcast, thậm chí phim hoạt hình,… Được “tắm ngôn ngữ” trong thời gian dài, tai và não bạn sẽ dần quen với cách phát âm Tiếng Anh. 

📍 Nghiêm túc làm đề thi thử

Muốn đi thi đạt điểm cao, bạn không thể bỏ qua bước luyện đề thi thử. Lần đầu, bạn chưa cần ôn gì hết, cứ làm đề mô phỏng thi thật để biết sức mình đến đâu. Từ đó mới lên kế hoạch ôn tập phù hợp với khả năng hiện tại. Nếu kết quả làm bài lần đầu thấp quá (giả sử <15/40), bạn đang yếu cả về từ vựng và khả năng nghe. Như vậy, bạn cần vừa nghe vừa đọc transcript, ghi chú các từ mới trong transcript để học thuộc & học cách phát âm từ bài nghe. Sau khi học từ vựng, vừa nghe vừa nhìn transcript như vậy, nghe tiếp vài lần mà không cần nhìn transcript nữa. Những lần đầu nghe, bạn cố gắng nắm được ý chính (gist) của mỗi câu, càng về sau càng nên cố gắng nghe được thật nhiều chi tiết nhỏ, bởi đề bài sẽ hay hỏi đến những chi tiết này, thậm chí dùng chúng để làm phương án gây nhiễu. Cách một khoảng thời gian, bạn nên nghe lại bài cũ, một phần để ôn lại từ vựng, một phần để thấy được sự tiến bộ của mình, có thêm động lực để ôn tập tiếp. 

Nghe thôi chưa đủ, muốn được điểm cao bạn cần phải nghe hiểu. Muốn nghe hiểu, lại cần trang bị vốn từ vựng phong phú. Do đó ngoài việc luyện tập nghe thường xuyên, đừng quên ghi chú những từ vựng mình gặp để bổ trợ cho kỹ năng nghe và các kỹ năng khác nhé!

📍 Luyện cách phát âm chuẩn

Có bao giờ bạn nghe mãi không ra một từ, nhưng khi đọc transcript lại “ồ, hóa ra từ này” chưa? Nếu phát âm của mình không chuẩn, khi nghe người bản ngữ nói, từ quen lại hóa lạ với mình. Không chỉ vậy, người bản ngữ thường luyến láy, nối âm, nuốt âm,… nên sẽ gây khó khăn cho những người chỉ quen với cách phát âm từng từ rành mạch. Để không mất điểm oan vào những tình huống như thế, bạn cần (1) luyện cách phát âm chuẩn từ bài nghe và (2) nghe nhiều để hiểu cách biến tấu của người bản ngữ. Tương tự với cách luyện nghe phía trên, bạn cần nghe nhiều chương trình nước ngoài, học theo cách họ nói để lần sau gặp cách nói tương tự sẽ hiểu người ta đang nói gì. 

📍 Rèn luyện sự tập trung

Ngoài kỹ năng nghe, khả năng tập trung cũng cần được luyện tập. Lý do là bởi bạn chỉ được nghe mỗi phần thi Listening duy nhất một lần. Nếu lỡ mất tập trung một giây, bạn sẽ bỏ lỡ nhiều thông tin, không chỉ ảnh hưởng tới điểm số mà còn ảnh hưởng tới tinh thần làm bài các phần sau. Nếu nhận thấy mình còn thiếu tập trung, bạn có thể :

✔️ Luyện khả năng tập trung bằng cách thường xuyên luyện đề trong môi trường nghiêm túc như thi thật. 

✔️ Tự ước lượng khoảng chênh điểm giữa thi thử và thi thật (có những bạn khi làm bài thi thường bị tâm lý nên điểm không cao như lúc ôn). Điều này có thể giúp bản thân tự đưa ra mục tiêu phải ôn khó hơn hoặc chuẩn bị trước tâm lý khi điểm thật chưa được như mong muốn. 

Trung tâm Ngoại ngữ NP Education

Bài viết liên quan