Bản chất của IELTS Speaking
Speaking (Nói) có thể coi là phần khó ước lượng điểm nhất trong kỳ thi IELTS. Thậm chí ngay khi biết điểm, nhiều bạn cũng ngạc nhiên vì điểm cao hơn hoặc thấp hơn kỳ vọng.
Tuy nhiên, ngay chính phần thi này cũng có những tiêu chí chấm điểm rõ ràng. Bám sát các tiêu chí này, con sẽ có định hướng ôn tập và tìm cách tăng band điểm cho mình. Hãy cùng NP Education phân tích sâu hơn về 04 tiêu chí chấm Speaking, bao gồm: (1) pronunciation, (2) grammar, (3) vocab, (4) fluency & coherence nhé!
Pronunciation – Phát âm
Đa số các bạn cấp 2, cấp 3 không gặp nhiều vấn đề phát âm bởi các con đã làm quen với Tiếng Anh từ nhỏ, được uốn nắn ngay từ đầu. Để giữ được “phong độ”, các con chỉ cần chú ý kiểm tra lại kỹ các đọc trong từ điển mỗi khi gặp từ mới. Thuộc mặt chữ, hiểu nghĩa, và biết cách phát âm chuẩn – đừng bỏ quên yếu tố nào khi học từ các bạn nhé!
Với sự phát triển của công nghệ: app luyện phát âm, video hướng dẫn cách đọc trên Youtube, chương trình TV bằng Tiếng Anh,… phát âm của các con đã tốt và tự nhiên hơn nhiều, gần như không có chuyện giám khảo không nghe hiểu những gì con nói. Nhưng muốn giành điểm cao trong tiêu chí Pronunciation, con vẫn cần luyện tập nhiều để nói chuẩn, nói hay nhất có thể.
Grammar & Vocab – Ngữ pháp & Từ vựng
Hai tiêu chí này khá gần gũi với nhau, nếu từ vựng là nguyên liệu nấu ăn thì ngữ pháp chính là công thức để những món ngon ra đời. Trong quá trình giảng dạy, thầy cô giáo tại NP nhận thấy có nhiều bạn viết tốt, ngữ pháp và từ vựng dùng trong bài viết rất chuẩn chỉnh, nhưng khi ứng dụng vào bài nói thì không được trôi chảy như vậy. Cô hiểu vì tốc độ nói nhanh hơn, con có ít thời gian để nghĩ hơn khi viết. Do đó, muốn việc nói chuẩn ngữ pháp và dùng từ đúng ngữ cảnh trở thành phản xạ, con cần có một quá trình luyện tập chăm chỉ từ chậm tới nhanh.
Để đạt được điều này, con cần vừa học ngữ pháp vừa ứng dụng ngay vào bài nói của mình. Trên lớp, cô vẫn thường hướng dẫn các con cách tự đặt đề bài cho mình, thử thách bản thân sử dụng ngữ pháp, từ vựng vừa học để nói thành bài hoàn chỉnh. Con có thể bắt đầu bằng câu ngắn rồi dần dần phát triển thành đoạn dài hơn bằng cách thuyết trình cho cha mẹ, anh chị nghe, hoặc tự nói một mình trước gương và ghi âm để nghe lại xem mình còn mắc lỗi ở đâu.
Fluency & Coherence – Sự trôi chảy và tính thống nhất
Dù Fluency & Coherence là được xét là một tiêu chí, nhưng các con thường mắc 1 trong 2 yếu tố này, chúng ta cùng phân tích kỹ từng phần một nhé!
Fluency – Sự trôi chảy
Như đã nói ở phần Ngữ pháp & Từ vựng, nếu con không luyện tập nhiều để hình thành phản xạ, việc vừa nói vừa nghĩ sẽ khiến mạch nói của con ngắc ngứ, câu cú đứt quãng, mất điểm Fluency. Vấn đề này xảy ra với hầu hết các bạn học sinh Việt Nam bởi từ nhỏ con đã quen với chương trình học tập trung vào ngữ pháp, từ vựng, không nhiều cơ hội để luyện nói. Vậy nên không ít con có vốn từ tốt, ngữ pháp chắc, đọc hiểu, nghe hiểu đều ổn nhưng lại khó khăn khi nói một đoạn dài.
Để nói trôi chảy, tự nhiên hơn, con có thể áp dụng hai bước sau:
Đọc to thành tiếng
Không ai mới bắt đầu đã nói tốt ngay được, các em bé bản ngữ cũng phải trải qua quá trình bắt chước bố mẹ để nói theo. Con có thể tự luyện việc “nói theo” bằng cách đọc to, đọc nhiều, đọc hàng ngày bất cứ nguồn Tiếng Anh nào (sách vở, báo chí, phụ đề phim,…). Quá trình đó sẽ giúp cơ miệng, cơ mặt của mình quen dần với cách phát âm Tiếng Anh, não cũng phản xạ nhanh hơn với ngữ pháp, từ vựng.
Luyện nói theo ý
Sau khi đã quen với việc đọc to, con sẽ chuyển sang luyện nói chủ động. Hãy bắt đầu với Part 1 trước. Những câu trả lời ngắn, đơn giản sẽ giúp con tự tin hơn với khả năng nói của mình. Tiếp theo, Part 2 đang đợi con chinh phục. Ở phần này, con cần phải tư duy Tiếng Anh siêu nhanh vì phải nói liên tục cả đoạn dài.
Trung tâm gợi ý con viết bài mẫu ra trước để đảm bảo đúng ngữ pháp, từ vựng, đủ ý tứ muốn nói. Đọc to 1-2 lần bài mẫu đó rồi ghi lại những ý chính, từ vựng muốn sử dụng, cuối cùng là dựa vào khung đó để tự nói lại. Tại sao con không nên học thuộc theo bài mẫu luôn? Không ít bạn áp dụng cách này, nhưng “học tủ” luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
IELTS là thước đo khả năng Tiếng Anh của con, nếu con dùng tips/tricks để đạt điểm cao hơn so với khả năng thì chứng chỉ IELTS sẽ mất đi ý nghĩa ban đầu. Ngoài ra, các giám khảo hoàn toàn có thể phát hiện bạn nào nói tự nhiên, bạn nào học thuộc,… Chắc chắn không giám khảo nào muốn cho thí sinh học thuộc lòng điểm cao phải không?
Muốn nói được trôi chảy, không cách nào ngoài làm dần dần từng bước trên: đọc to – học thuộc – tự nói lại theo ý.
Coherence – Tính thống nhất
Để ghi điểm ở tiêu chí này, con cần có (1) kiến thức tổng quát và (2) tư duy phát triển ý hợp lý. Thiếu một trong hai, con dễ rơi vào tình trạng nói vòng vo, giữa các câu không có sự liên kết, dễ mất điểm ở hai phần sau. Part 2 giống như một bài thuyết trình thu nhỏ, con cần phải sắp xếp ý tứ rõ ràng, xây dựng cấu trúc bài mạch lạc. Part 3 lại là phần hỏi về quan điểm xã hội, muốn có điểm cao, con cần có lượng kiến thức nhất định để bài nói ấn tượng hơn.
Nhưng kiến thức là vô hạn, nếu Part 3 quá khó với con thì sao? Như đã nói ở trên, bản chất của IELTS là kỳ thi kiểm tra trình độ ngôn ngữ, nếu con không biết nhiều về câu trả lời, giám khảo vẫn cho con điểm dựa trên cách xử lý vấn đề.
Ví dụ, con gặp chủ đề Politics (chính trị), hãy thành thật rằng đây không phải thế mạnh của con, nhưng hãy tiếp tục phần thi bằng những giả định, phỏng đoán của mình. Dù con có biết nhiều hay biết ít, điều quan trọng là con trình bày Part 3 một cách logic, biết đưa ra các ý giải thích cho quan điểm hoặc giả định của mình.
Làm thế nào để con ghi điểm ở tiêu chí này? Thực ra, ở các lớp luyện thi IELTS, các thầy cô vẫn thường cung cấp thêm cho con kiến thức xã hội hoặc đưa ra gợi ý cho Part 2, Part 3, đồng thời hướng dẫn con cách phát triển ý. Tuy nhiên, mấu chốt vấn đề vẫn nằm ở môi trường giáo dục của gia đình và vốn sống riêng của con. Cha mẹ có thể giúp con bằng cách cho con tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin hơn, thường xuyên tranh luận với con về các vấn đề xã hội từ dễ tới khó.
Ví dụ, con nghĩ thế nào về việc thành phố chặt bớt cây xanh, mẹ có nên cho em bé xem nhiều Youtube không? Qua đó, cha mẹ vừa biết được suy nghĩ của con, vừa tạo điều kiện cho con tư duy logic và trình bày rành mạch quan điểm của mình. Củng cố cả đầu vào (input) và đầu ra (output) như vậy, con sẽ có kiến thức và tư duy tốt, ghi điểm trong cả phần Speaking và Writing.
Chia sẻ trên đây về bản chất của phần thi Speaking đến từ các giáo viên IELTS tại Trung tâm Ngoại ngữ NP Education. Lời khuyên cho các con được thầy cô đúc rút từ quá trình nghiên cứu và giảng dạy trực tiếp của mình. Hy vọng sau bài viết này, cha mẹ và con đã hiểu hơn về kỳ thi Speaking và cách để tăng band điểm.
Nếu có thắc mắc gì về bài thi IELTS, cha mẹ hãy comment bên dưới nhé!
Trung tâm Ngoại ngữ NP Education
Hotline: 086 830 0770