Với cha mẹ, con lúc nào cũng là “đứa trẻ” cần được chở che, bao bọc. Tuy nhiên, đôi khi, vì nghĩ con là “trẻ con không biết gì” nên cha mẹ lại vô tình nói những lời làm tổn thương con. Đặc biệt, với con ở độ tuổi teen, độ tuổi tâm lý phát triển nhạy cảm, cha mẹ nên giao tiếp với con một cách “khéo léo”, “lựa lời”. Ngay cả khi con mắc lỗi, thay vì mắng mỏ, chì chiết, cha mẹ có thể thay đổi cách nói sao cho tích cực hơn.
Mời các bậc phụ huynh theo dõi bài viết dưới đây để thấy rằng cùng một vấn đề, cha mẹ hoàn toàn có thể nói khác đi để giúp con “ngấm” hơn và không phản ứng tiêu cực lại với cha mẹ.
01 – “Đi học về không chào hỏi, không nói không rằng. Miệng của con đâu hả?”

Việc con im lặng khi về nhà có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Ví dụ, hôm nay con bị điểm kém, con bị bạn bắt nạt, đang buồn bã không thiết tha làm gì. Việc trách mắng nặng lời sẽ khiến tâm trạng con xấu hơn, chạy nhanh lên phòng đóng sầm cửa lại rồi bỏ bữa.
Thay vì câu nói “sát thương”, cha mẹ có thể lựa chọn cách nói: “Khi đi học về con không chào mẹ, mẹ cảm thấy buồn lắm. Con có thể chào mẹ và hỏi han về ngày làm việc của mẹ được không?”. Khi nhận được câu hỏi này, nếu có chuyện, con sẽ cảm thấy mẹ đang lắng nghe mình và sẵn sàng chia sẻ. Trong trường hợp con lỡ quên chào hỏi, câu nói nhẹ nhàng của mẹ sẽ khiến con tự cảm thấy có lỗi và chủ động thủ thỉ cùng mẹ.
02 – “Con với cái vô tích sự, có mỗi việc học cũng không xong. Sao bạn Linh chăm thế mà con không được bằng một phần của bạn?”

Nhân vật “con nhà người ta” có lẽ là hình tượng “đáng ghét” nhất trong lòng mỗi đứa trẻ. Trong giai đoạn tuổi teen, cái “tôi” của con rất cao. Vừa bị so sánh với người khác, vừa bị coi là “vô tích sự”, con sẽ bị đả kích tâm lý nặng nề. Sau đó, con có thể sợ chia sẻ chuyện học hành với cha mẹ hoặc nói dối về kết quả của mình.
Cha mẹ nên thay đổi cách nói tích cực hơn, ví dụ như “Bố mẹ biết con đã cố gắng rất nhiều. Nhưng bài tập chưa làm hết nghĩa là mình sử dụng thời gian chưa được tốt. Bây giờ mình cùng thảo luận để lên kế hoạch khoa học hơn nhé”. Con sẽ cảm nhận được nỗ lực của mình được cha mẹ ghi nhận, vì thế mà có thêm động lực để làm tốt hơn, có kế hoạch học tập hiệu quả hơn. Đừng quên, người quan trọng nhất con cần vượt qua, không phải “con nhà người ta” mà là chính bản thân con cha mẹ nhé.
03 – “Học thì không lo học, suốt ngày cắm mặt vào cái điện thoại.”

Tuổi teen là lứa tuổi tò mò, cộng với việc ngày càng nhiều trò chơi, ứng dụng thú vị khiến con dùng điện thoại, máy tính bảng suốt ngày, ngay cả lúc ăn cũng không buông. Gặp trường hợp như vậy, hẳn cha mẹ nào cũng không vừa ý, dễ nổi nóng, mắng mỏ. Tuy nhiên, đôi khi con không chơi game mà đang tra từ điểm hoặc trao đổi với cô và bạn bè trong nhóm lớp, bị “mắng oan” sẽ khiến con ấm ức, vùng vằng không nghe lời, cãi lại cha mẹ.
Để không khí gia đình hòa nhã hơn, cha mẹ có thể nói: “Con đang học bài trên mạng à, bố thấy con dùng điện thoại từ sáng tới giờ rồi. Nhìn nhiều màn hình không tốt đâu con, nghỉ ngơi chút cho đỡ mỏi mắt, uống nước cam rồi nói chuyện với bố một lát nhé.” Nghe được câu quan tâm như vậy, dù có đang học hay đang chơi thì sau này con nhất định sẽ để ý tới việc dùng điện thoại của mình hơn.
04 – “Còn một lần nữa như thế là bố đuổi ra khỏi nhà. Nhớ chưa?”

Người lớn nghe câu này còn thấy tổn thương, chưa nói đến các con độ tuổi cấp 2 dễ bị ảnh hưởng tâm lý. Gia đình là nơi duy nhất con cảm thấy an toàn khi trở về, nghĩ đến cảnh “bị đuổi” con sẽ vô cùng sợ hãi. Thế nhưng, trong lúc nóng nảy vì con làm sai điều gì đó, nhiều cha mẹ đã buông những câu tương tự như vậy nhằm mục đích “xả giận”, không biết rằng chúng sẽ để lại vết sẹo trong lòng con.
Cha mẹ nên bình tĩnh, kiềm chế cơn giận của mình và an ủi con với những cách nói như “Dù sao thì chuyện cũng xảy ra rồi, không ai mong muốn như thế cả, quan trọng là con đã có bài học cho việc này và lần sau không mắc lại lỗi sai như vậy nữa.” Cha mẹ có thể yêu cầu con hứa, hoặc viết “bản cam kết”, thay vì dọa đuổi con ra khỏi nhà.
05 – “Còn cãi nữa à? Con biết gì mà nói? Bố mẹ nói thì phải biết tiếp thu.”

Cha mẹ nhiều lần lấy lý do “trứng mà đòi khôn hơn vịt” này để át đi suy nghĩ của con. Nhưng câu nói như vậy khiến con cảm thấy tổn thương, thấy mình không được coi trọng. Dần dần con sẽ hình thành ý nghĩ mình không phải lo lắng việc gì cho gia đình, đó là việc của cha mẹ.
Dù còn nhỏ, con cũng có góc nhìn riêng của mình, lắng nghe con cũng là cách để cha mẹ hiểu con hơn và khuyến khích nói ra quan điểm của mình. Cha mẹ nên đổi câu nói phía trên thành “Ý kiến của cha mẹ là như vậy, nhưng không phải lúc nào người lớn cũng đúng đâu. Con có muốn nêu ra ý kiến của mình không?”. Cha mẹ hãy thử thay đổi nhé, đôi khi, con lại có nhiều quan điểm rất thú vị đó.
Trung tâm Ngoại ngữ NP Education